Câu 1: Tôi xin phép được hỏi một số vấn đề liên quan đến chính sách thuế như sau:
1. Người lao động làm việc tại DN đến 31/12/2016, từ ngày 01/01/2017 thì nghỉ việc. Trong năm 2016 người lao động cam kết chỉ có thu nhập duy nhất tại DN. Vậy DN có thể nhận giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho năm 2016 đối với người lao động trong trường hợp này không?
2. Khoản thu nhập của người lao động nghỉ việc từ 01/01/2017 nhưng có nguồn gốc từ năm 2016 (vì đến năm 2017 mới chi) thì khi chi DN có được áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với người lao động không? Hay phải khấu trừ 10% thuế cho khoản thu nhập này?
3. Nếu người lao động làm việc từ tháng 1-> tháng 11 ở DN1; làm việc tháng 12 ở DN2. Nếu tháng 12 này ở DN 2 khấu trừ 10% thuế TNCN đối với thu nhập của người lao động thì người lao động này có thể ủy quyền cho DN1 quyết toán thuế TNCN không?
Trả lời:
1. Tại điểm d, khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
“- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
1) Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm….”
Căn cứ quy định trên, cá nhân không còn làm việc ở đơn vị tại thời điểm quyết toán thì không thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán.
2.Tại điểm i, khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân…”
Trường hợp DN không ký tiếp hợp đồng với người lao động thì khi chi trả thu nhập phải khấu trừ thuế 10% theo hướng dẫn trên.
3. Căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên, cá nhân không còn làm việc ở DN1 tại thời điểm quyết toán thì không thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán.
Câu 2: Kính gửi Hội tư vấn thuế,
Nhờ Hội tư vấn giúp chúng tôi (Công ty TNHH Quản trị Doanh nghiệp BCM Việt Nam – MSHV: A085) về cách tính thuế TNCN đối với CÁ NHÂN KHÔNG CƯ TRÚ có thu nhập từ:
1) Hoa hồng đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp;
2) Cho thuê tài sản.
Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Tại Điều 17 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn như sau:
Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định bằng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (×) với thuế suất.
1. Doanh thu:
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định như doanh thu làm căn cứ tính thuế từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
2. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau:
a) 1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hoá.
b) 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ.
c) 2% đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác.
Trường hợp cá nhân không cư trú có doanh thu từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau nhưng không tách riêng được doanh thu của từng lĩnh vực, ngành nghề thì thuế suất thuế thu nhập cá nhân được áp dụng theo mức thuế suất cao nhất đối với lĩnh vực, ngành nghề thực tế hoạt động trên toàn bộ doanh thu.
Trường hợp cá nhân không cư trú có thu nhập từ :1) Hoa hồng đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp; 2) Cho thuê tài sản. Chịu thuế suất 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ.-> thuế thu nhập cá nhân = Doanh thu x 5%